marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web Tuyển Tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế *** Bài mới nhất

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Trường Petrus Ký Trong Tâm Tưởng: Nhớ về Trường Xưa, Thầy Cô và Bạn Học

 

Lâm Vĩnh-Thế

 

Cuốn hồi ức này, ấn bản lần thứ nhứt, đã được Nhà xuất bản Nhân Ảnh ấn hành năm 2021, gồm 156 trang.



Giới Thiệu Nội Dung

Tác giả được may mắn theo học trọn 7 năm (1953-1960) của bậc Trung Học tại ngôi trường lớn nhứt và danh tiếng nhứt của Miền Nam, Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký.  Cuốn sách này là hồi ức của tác giả về ngôi Trường, về các Thầy Cô, và về các Bạn Học trong thời gian ngắn ngủi nhưng đầy kỷ niệm, và thật hạnh phúc đó.  Bạn đọc sẽ tìm thấy ở đây những nét riêng biệt, duy nhứt của ngôi Trường đã tạo nên niềm hãnh diện của những người tự nhận mình là “Dân Petrus Ký,” những khuôn mặt kính yêu và công lao dạy dỗ của quý Thầy Cô đã giúp cho những người “Dân Petrus Ký” có được những đóng góp đáng kể cho đất nước, và, sau hết, là những kỷ niệm đẹp đẽ với bạn bè thân thương trong những năm tháng hạnh phúc đó.    

 

Bàn Luận – Điểm Sách – Nối Kết

Trích trong Lời Tựa của cuốn sách:

“Phần chính của cuốn Hồi ký này là nói về sự học hành, đã được mô tả lại một cách tỉ mỉ: các niên học kể từ lớp Đệ Thất cho đến lớp Đệ Nhất, mỗi lớp được những giáo sư nào dạy môn gì và bạn học gồm những ai.  Phần mô tả có tính cách tài liệu rất chu đáo, có thể coi là một phần lịch sử biên niên của trường Petrus Ký.  Điểm đáng phục nhất là trí nhớ của tác giả về các vị thầy đã dạy mình từ lớp Đệ Thất cho đến lớp Đệ Nhất.  Từ lớp Đệ Thất, tác giả đã liệt kê tất cả giáo sư, mô tả hình dáng, cá tính, cách dạy dỗ, những kỷ niệm đáng ghi nhớ và đôi khi cả cuộc đời riêng của họ nữa.  Rồi từ căn bản đó, mỗi năm lên một lớp tác giả đều “cập nhật” các giáo sư mới, và tiếp tục làm bản tường trình tương tự, cho đến năm cuối.  Tôi cho đây là một công trình rất đáng kể của một cựu học sinh đối với ngôi trường thân yêu cũ của mình.  Thầy giáo, chính là linh hồn của lớp học về môn mình dạy, là tác nhân vô cùng quan trọng đối với việc mở mang trí tuệ và nhân cách của đám học trò còn nhỏ tuổi của mình.  Tác giả Lâm Vĩnh-Thế đã viết những trang hồi ức tỉ mỉ về mỗi vị thầy, thoạt trông chỉ là những kỷ niệm thiếu thời, nhưng trong thực chất mang một ý nghĩa rất quan trọng.  Thứ nhất nó cho thấy tác giả là người hiếu học, luôn luôn kính trọng người làm công việc trao truyền kiến thức cho mình.  Thứ hai là tình cảm học trò đối với thầy của tác giả rất sâu đậm, nhất là vào lúc đã lớn tuổi, nhìn lại quá khứ học hành với biết bao là thương mến.  Và cuối cùng, những dòng hồi ký về các thầy dạy mình này sẽ đóng góp vào lịch sử của trường Petrus Ký rất nhiều, nhất là phần chân dung các giáo sư, đã được người học trò thực hiện theo lối văn chương ký họa vô cùng linh động.” (Phạm Phú Minh, Chủ Nhiệm Tạp chí điện tử trực tuyến Diễn đàn Thế Kỷ)