Lâm Vĩnh-Thế
Sau ngày
30-4-1975, và trong một thời gian khá dài, có lẽ đến 10-15 năm, phần đông người
Việt ở hải ngoại đều có một nhận định chung không tốt về cựu Tổng Thống Nguyễn
Văn Thiệu như sau: một nhà lãnh đạo hèn nhát, đào ngũ, bỏ rơi đồng đội và đồng
bào, và là nguời lãnh đạo chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự sụp đổ quá nhanh của
Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Nhận định này,
mặc dù phổ biến, và dựa vào một số sự việc đã xảy ra trong các tháng 3-4/1975,
chỉ là do cảm tính, không dựa vào bất cứ tài liệu khả tín nào cả. Gần như ai
cũng biết và nhớ câu nói nổi tiếng của ông “Ðừng nghe những gì Cộng sản
nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm,” nhưng hình như đó
cũng là sự đánh giá duy nhứt của nhân dân Miền Nam về sự nghiệp
chính trị của ông. Nhưng dần dà sau
đó, với sự ra đời của một số sách và bài báo ngày càng nhiều, cả Việt ngữ lẫn
Anh ngữ, của một số tác giả nghiêm túc, và dựa trên những tài liệu mật của
Chính phủ Hoa Kỳ đã được giải mật, nhận định của người Việt hải ngoại về
ông đã có phần thay đổi. Bài viết này cố
gắng đưa ra một đánh giá trung thực, khách quan về vị nguyên thủ quốc gia này của
VNCH. Tiêu chuẩn mà người viết sử dụng
trong việc đánh giá lại nhân vật lịch sử này gồm 3 yếu tố: 1) Quá trình đào tạo
và kinh nghiệm thực tiễn; 2) Cách ứng xử, quyết định và hành động; và 3) Khả
năng chính trị và cầm quyền. Việc đánh
giá này tập trung trong 3 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời chính trị của
nhân vật này: 1) Trước cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, 2) Từ sau cuộc đảo chánh
ngày 1-11-1963 cho đến ngày 30-10-1967; và 3) Từ ngày 1-11-1967 cho đến khi ông
từ chức Tổng Thống VNCH vào ngày 21-4-1975.