Lâm Vĩnh-Thế
(Ðã đăng trong Thư viện tập san, Số 20, Ðệ I TCN
năm 1974, tr. 3-11)
Lịch
sử thư viện thời cổ đã bắt đầu cách đây gần 5.000 năm, cùng một lúc với sự xuất
hiện của chữ viết hình đinh của người Sumerians ở vùng Lưởng Hà Châu. Các thư viện trong các đền thờ của những
người này đã từng chứa các sổ sách thương mại, bài tập về văn phạm, sách toán,
khái luận về y học và chiêm tinh, và các sưu tập về thánh ca, kinh kệ và phù
chú.1 Sau người Sumerians là người Babylonians rồi đến người
Assyrians đều có xây dựng thư viện tại vùng đất phì nhiêu nầy. Tên tuổi của vị vua Ashurbanipal (668-626 BC)
của người Assyrians được ghép liền với thư viện hoàng gia nổi danh tại kinh đô
Nineveh. Cùng lúc đó, người Ai Cập cũng
xây dựng nhiều thư viện trong các cung điện cũng như đền thờ của họ. Vua Rameses II (khoảng 1300 BC) được biết đã
có một thư viện gồm khoảng 20.000 cuộn chỉ thảo trong cung điện của ông tại
Thebes.2 Tuy nhiên phải đợi đến đầu thế kỷ thứ 4 BC ta mới thấy xuất
hiện tại Ai Cập 1 thư viện khổng lồ của nền văn minh Hy Lạp. Thư viện nầy được xây dựng tại thành phố
Alexandria, tân kinh đô của Ai Cập. Bài
này cố gắng tóm lược những nét chính của thư viện đó.